Doanh nghiệp nhỏ mù mờ với ưu đãi thuế
Dù đã có những chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và những DN được ưu tiên miễn giảm, nhưng trên thực tế, các DN vẫn mù mờ chưa biết mức giảm thuế cụ thể đối với mình là bao nhiêu.
Luật gia Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cty CP Thuế Kế toán Luật Việt Á, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai, cho biết Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực từ 1/1/2018 và từ tháng 3/2018 có Nghị định 39/2018/NĐ-CP để hướng dẫn.
Tuy nhiên, đến nay, nhiều DN vẫn chưa biết có điều khoản giảm đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, hoặc những DN ứng dụng khoa học công nghệ, hay các DN mà góp vốn là phụ nữ chiếm hơn 51% thì sẽ được giảm thuế thu nhập.
Mòn mỏi ngóng giảm thuế
“Đã gần cuối năm rồi nhưng các DN thuộc diện được miễn, giảm thuế vẫn chưa biết mức giảm thuế cụ thể đối với họ là bao nhiêu. Điều này làm các DN nhỏ mới thành lập còn nhiều băn khoăn. Họ lường trước khả năng lại phải thực hiện mức thuế suất 20% thuế thu nhập DN như bình thường”, ông Tuấn bộc bạch.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề buổi đối thoại giữa Bộ Tài chính với DN về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018 diễn ra ở Tp.HCM cuối tuần qua, ông Tuấn cho biết thêm, hiện nay, nhiều DN nhỏ quan tâm vấn đề xuất nhập khẩu tại chỗ có được hoàn thuế hay không.
Chẳng hạn, một DN nhỏ chuyên gia công cho một đơn vị A, rồi đơn vị A xuất khẩu (XK), phía DN gia công đã góp phần cho hoạt động XK. Cụ thể là sau khi DN nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, sau đó phía đối tác nước ngoài có nhu cầu chỉ định là DN sản xuất gia công sẽ giao hàng tại Việt Nam, như vậy có thể gọi là XK tại chỗ.
Do đó, theo ông Tuấn, cần xem xét bổ sung thêm việc hoàn được thuế nhập khẩu nguyên liệu trong lúc đầu cho phù hợp với thực tế. Hiện nay, Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế XK, thuế nhập khẩu chưa đề cấp đến việc hoàn thuế XK tại chỗ.
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cũng là vấn đề mà nhiều DN, đặc biệt là những DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể quan tâm trong buổi đối thoại với Bộ Tài chính lần này.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu luật này đơn giản hóa sổ sách kế toán và thủ tục về thuế, cùng với những ưu đãi trong Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể (hiện cả nước còn hơn 5 triệu hộ kinh doanh – PV) sẽ hào hứng, gián tiếp tạo động lực để chuyển lên thành DN thực thụ, gián tiếp thúc đẩy đạt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu DN.
Chia sẻ về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được trình ra lấy ý kiến tại Quốc hội, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cho biết với những nội dung còn vướng mắc, chưa được quy định rõ sẽ báo cáo cấp thẩm quyền, bổ sung sửa đổi.
Dư địa cải thiện thủ tục thuế
“Ưu điểm của dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là tạo thuận lợi cho người nộp thuế thông qua việc kê khai nộp thuế điện tử, kể cả thực hiện hóa đơn điện tử trong quá trình từ khâu chuẩn bị sổ sách kế toán về kê khai nộp thuế trước khi nộp thuế và trong quá trình thực hiện nộp thuế. Việc thanh kiểm tra thuế cũng dựa trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro”, ông Tuấn chia sẻ.
Nói về việc cải thiện chỉ số Khởi sự kinh doanh tại Việt Nam có liên quan đến ngành thuế, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, để cải thiện chỉ số này vừa phụ thuộc vào người nộp thuế, vừa phụ thuộc vào cơ quan thuế.
Với cơ quan thuế thì thủ tục hành chính phải đơn giản, tiếp tục cắt giảm những thủ tục rườm rà nhằm đảm bảo phù hợp thông lệ quốc tế và áp dụng điện tử trong tất cả các khâu.
Người nộp thuế cũng phải nỗ lực trong việc điện tử hóa quản trị DN, điện tử hóa sổ sách kế toán và hóa đơn. Nếu các DN nhỏ và vừa nỗ lực như vậy, số giờ chuẩn bị về các thủ tục hồ sơ cũng như trong quá trình kê khai sẽ được giảm và tiết kiệm chi phí.
Thực tế, trong vài năm trở lại đây, Việt Nam đã có những nỗ lực vượt bậc trong việc cải thiện thời gian nộp thuế. Nếu như vào năm 2014, các DN phải tiêu tốn tới 872 giờ trong một năm để nộp thuế, thì theo tính toán mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian tuân thủ nghĩa vụ thuế của Việt Nam hiện còn 351 giờ. Trong số 351 giờ này có đến 334 giờ là thời gian dành cho việc tính toán số liệu và chuẩn bị tờ khai, thời gian cho việc nộp tờ khai và nộp thuế chỉ còn 17 giờ.
Mặc dù có nhiều nỗ lực như vậy, nhưng thời gian nộp thuế của Việt Nam được cho là vẫn còn cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Điều này cho thấy dư địa để cải thiện thủ tục nộp thuế của Việt Nam còn nhiều.
Ông Trần Ngọc Phương, Phó Tổng Giám đốc CTCP Đường Quảng Ngãi, cho rằng trong giai đoạn gần đây có những văn bản, quy định của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế có nhiều thay đổi và có những vấn đề cần điều chỉnh. Về phía DN trong quá trình thực hiện cũng chưa hiểu, nắm bắt được hết, nên khó tránh khỏi lúng túng. Điều mà các DN trông chờ là việc thanh kiểm tra thuế cần tạo điều kiện tốt hơn cho DN.
Thế Vinh
Theo Thời báo Kinh doanh
Link bài viết: https://thoibaokinhdoanh.vn/viet-nam/doanh-nghiep-nho-mu-mo-voi-uu-dai-thue-1052953.html